Trong những năm tới, Việt Nam chỉ cần xuất khẩu mỗi năm 2-3 triệu tấn gạo, thay vì 7-8 triệu tấn gạo/năm như hiện nay.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), lượng xuất khẩu gạo 11 tháng đầu năm 2016 ước đạt 4,54 triệu tấn, tương đương 2 tỷ đô la Mỹ, giảm 25% về khối lượng và giảm hơn 20% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Trung Quốc vẫn tiếp tục đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2016 với 36% thị phần.
Hiện tại, khoảng 70% lượng gạo xuất khẩu mỗi năm của Việt Nam được bán tại thị trường châu Á, trong đó thị trường lớn nhất là Trung Quốc, tiếp đến là các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) như Philippines, Indonesia, Malaysia.
- Tuy nhiên, hiện xuất khẩu gạo của Việt Nam sang những thị trường này đang chậm lại. Ông Năng cho biết, trong năm 2015, ba nước trong khu vực ASEAN nói trên đã nhập khoảng 2 triệu tấn gạo từ Việt Nam nhưng năm nay, lượng gạo xuất khẩu sang cả ba thị trường này chỉ có 200.000 tấn, tức là giảm 90% so với năm trước.
- Lý do được giải thích là do những quốc gia này đang có chiến lược tăng cường tự sản xuất lúa gạo để đáp ứng nhu cầu nội địa, giảm phụ thuộc vào gạo nhập khẩu vốn chủ yếu mua từ Việt Nam trong nhiều năm qua.
- Trung Quốc tuy là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam nhưng với những chính sách về kiểm dịch mới được đưa ra thì đây không còn là thị trường dễ tính nữa.
- “Lâu nay, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo cứ nói với nhau rằng, Trung Quốc là thị trường dễ tính, chất lượng gạo thế nào cũng bán được nhưng theo tôi, nếu các giám đốc doanh nghiệp cứ chủ quan như vậy, một ngày nào đó họ sẽ phải trả giá cho suy nghĩ này”, ông Năng nói.